Phân biệt Bonsai và Penjing

Tại National Arboretum ở Washington D.C. còn có một bộ sưu tập khác do chủ một ngân hàng ở Hồng Kông, ông Yee Sim Wu tặng chính phủ Mỹ vào năm 1986. Sưu bộ mới này gồm 31 cây bonsai (tiếng Trung hoa gọi là Penjing) từ 15 đến 200 tuổi.
Ðặc điểm là bộ sưu tập Penjing vô giá trên các chậu xứ đều là đồ cổ quý giá, không gì thay thế nổi. Một trong các chậu đó là một chậu xứ 300 năm hình chữ nhật màu xanh lục xen men trắng xuất phát từ tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc. Cây cảnh thì có cây bông lài màu cam hơn trăm tuổi, cây trà Phúc Kiến, thông Quảng Ðông…



Cũng là cây thu nhỏ, cái khác nhau giữa Penjing và Bonsai nằm trong đặc tính địa lý, thẩm mỹ và triết lý. Penjing là cái nhìn từ ngoài nhìn vào. Thường Penjing đi với đá, tượng tháp hoặc chùa kèm với cây cảnh. Bonsai là cái nhìn từ bên trong nhìn ra. Bonsai tạo nên một sự tĩnh lặng, sự trang trọng của một khu rừng già, sự tinh khiết của một khe suối, và vẻ quắc thước hoặc thướt tha của một thân cây, một cành cây có một linh hồn, trong bonsai không dùng các hình tượng (figurine) để phát biểu, bonsai thích kèm rêu và đá để tạo quân bình (accent).
Trong Penjing, ảnh hưởng khá rõ rệt của các trường phái hội họa trong các bức tranh cổ của giới nho gia (literaci) Trung Quốc.
Penjing thường chú trọng của đặc tính của thân và cành, lá chỉ là phần phụ. Penjing dùng chậu sâu nhiều hơn.
Trong bonsai, người Nhật cố gắng trong việc “chụp hình” được toàn thể cây kiểng trong dạng thu nhỏ hoặc tí hon – nhưng vẫn phát biểu được sự đáng kính về tuổi tác- với toàn thể rễ, thân, vỏ cây cũng như các cành rũ và lá. Bonsai dùng chậu cạn, những mảnh đá lõm hoặc bằng phẳng, chỉ có loại có dạng thác đổ (cascade) là bắt buộc phải dùng chậu sâu vì nhu cầu cân đối thẩm mỹ và đứng vững.

Ðiểm tương đồng giữa Bonsai và Penjing là cả hai tìm cách thu nhỏ cây lại qua cách tập luyện riêng rẻ hoặc từng nhóm. Kết quả không thực sự thu nhỏ toàn thể vì hoa và trái vẫn giữ vóc dáng bình thường, chỉ có lá là nhỏ hơn thôi. Vì thế các loại cây kiểng có lá nhỏ đẹp, nhỏ nhắn mọc sát nhau và cành có dáng dấp đẹp là các loại lý tưởng để tạo thành bonsai và penjing.

Ngoài các yếu tố trên, nên chọn các cây có khả năng phát triển trong chậu cạn và khả năng “chịu trận” qua sự cắt xén liên tục từ rể đến ngọn. Các cây bonsai nổi tiếng làm từ các danh mộc cao nhất thế giới như cây sequoia (redwood), bald cypress…
Các loại cây Việt Nam có dáng bonsai đẹp tự nhiên là cây me, cây bông giấy, cây cỏ trúc, cây sung, cây cùm nụm, cây liễu rủ…

Có lần tôi mang một “đứa con” đi triển lãm với Liên hội Bonsai vùng Potomac. Tôi làm một cây bonsai bằng cây chuối con, để y các lá khô cho có vẻ “cao niên”, thêm rêu nhung , để một con ngựa màu bích ngọc (emerald) trong xanh, và một cục đá Atacamite xanh vân trắng có bệ gỗ của Ðại Hàn. Trước sự ngạc nhiên của tôi, các hội viên và quan khách thi nhau chụp hình cây chuối, họ bảo chưa thấy bao giờ, khi họ tìm hiểu tuổi của cây bonsai, tôi trả lời: “Một tuổi “. Họ phá lên cười vì đa số các cây khác đề trên 10 tuổi. Thì ra người Mỹ họ biết chuộng tuổi tác của cây, nhưng tuổi tác của cha mẹ thì họ quăng vào nhà già, nursing home…